Nam Ô – ngôi làng bên chân sóng

Với nhiều người, làng biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chỉ được biết đến gần đây sau những ồn ào xung quanh dự án du lịch sinh thái.

Nam Ô – ngôi làng bên chân sóng

Bờ biển Nam Ô còn khá hoang sơ - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Bờ biển Nam Ô còn khá hoang sơ – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhưng ngôi làng bên chân sóng này còn là một địa chỉ khám phá thú vị về du lịch, ẩm thực và lịch sử.

Cách trung tâm TP Đà Nẵng chỉ hơn 10km, chạy hết tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành sẽ gặp bãi cát trắng trải dài còn khá hoang sơ. Đây chính là làng biển Nam Ô. Con đường biển rộng thênh thang, lại chạy thẳng đường một nên việc đến với làng Nam Ô quá đỗi đơn giản.

Đến để được nghe chuyện xưa, tích cũ

Du khách có thể đi ôtô, xe máy và những người có thể lực, yêu thể thao có thể đạp xe túc tắc vừa đi vừa check in dọc theo bờ biển.

Cuối đường Nguyễn Tất Thành là bãi tắm biển Nam Ô nằm sát bên vạt phi lao vi vút gió. Đã bước vào mùa mưa nên nếu du khách muốn tắm biển nơi đây phải chọn ngày nắng ráo để được hòa mình xuống biển và nghe tiếng gió lùa qua rặng phi lao.

Có lẽ sẽ hiếm làng biển nào như Nam Ô với “tuổi làng” gần 700 năm tuổi. Cũng vì lẽ đó mà khi đến làng cổ này, không gì thú vị hơn là được mục sở thị những di tích của làng, được nghe các bô lão kể tích xưa. Ngay trước bờ biển Nam Ô là lăng Ngư Ông.

Đưa chúng tôi vào trong lăng Ngư Ông, ông Trần Ngọc Vinh, chủ tịch làng nghề nước mắm Nam Ô 2, nhẹ nhàng gỡ tấm vải đang che những hài cốt cá Ông mà dân làng còn lưu giữ, rồi cho biết nơi đây đang thờ 47 bộ xương cá Ông.

Các bộ xương này được ngư dân chôn cất, trước khi di dời vào lăng từ năm 1848 đến nay và được cư dân làng thờ cúng trang nghiêm.

Theo các bậc cao niên của làng Nam Ô, lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè. Đến năm 1851, lăng được tôn tạo to đẹp hơn và là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã cải táng.

Đi theo con đường dẫn vào làng là miếu Bà Liễu Hạnh xây dựng năm 1602 gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời.

Một điểm dừng chân mà rất nhiều bạn trẻ chọn để check in phải kể đến là ghềnh đá Nam Ô. Nơi đây, vào mùa hè nước biển trong xanh, có thể nhìn thấy cá tôm bơi lội dưới những tảng đá rêu phong luôn là một điểm đến yêu thích.

Cũng ngay trên ghềnh Nam Ô là cánh rừng thiêng – nơi lưu dấu điển tích công chúa Huyền Trân dừng chân vẫn còn được cư dân bảo tồn qua bao thế hệ. Đi sâu vào làng, du khách sẽ được khám phá không gian văn hóa với những giếng nước Chăm tọa lạc ngay giữa ngôi làng này.

Sáng sớm, cá tôm được ngư dân của làng đánh bắt về - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sáng sớm, cá tôm được ngư dân của làng đánh bắt về – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

…Và thưởng thức món biển

Với những du khách ưa khám phá ẩm thực, Nam Ô sẽ mang đến một “bữa tiệc” của hương vị biển. Ngay từ đầu làng, mùi mắm ruốc, nước mắm Nam Ô đã cồn cào ruột gan.

Ngay trên bờ biển, cụ Phan Quỳnh, 80 tuổi, đang cần mẫn phơi những xô mắm ruốc đỏ au, cho biết vùng biển Nam Ô trù phú và mang đến những đặc sản mà ít nơi nào có được. Và mắm ruốc là một trong số đó.

“Ruốc ni mà về dầm với ớt, chấm miếng thịt heo luộc nóng hổi hay bẹo một tí bỏ vô nồi canh thì thấm đến tận xương” – cụ Quỳnh tâm sự.

Nhưng kỳ thực Nam Ô nổi tiếng nhất vẫn là nước mắm, chẳng phải thế mà từ xưa đã có câu ca: Nước mắm Nam Ô/ Cá rô Xuân Thiều, hay Bữa ni nhớ bún Chợ Chùa – Nhớ mắm Nam Ô, nhớ cua làng Gành.

Rảo bộ trong ngôi làng biển này dường như hương thơm của mắm đã hòa quyện vào từng ngôi nhà, ngõ hẻm. Với những du khách thích trải nghiệm thì có thể đến đây để xắn tay áo thử làm mắm Nam Ô theo cư dân của làng.

Lão ngư Trần Ngọc Vinh chia sẻ rằng mắm Nam Ô được làm từ cá cơm than tươi roi rói do chính cư dân làng đánh bắt về.

Cá được đưa vào chum ủ với muối, không cần bỏ thêm thứ gì với công thức 10 cá, 3-4 muối, 2kg cá sẽ cho ra 1kg nước, muối trong vòng 12 tháng. Cái vị mặn mòi, thơm nồng, màu vàng nhĩ của mắm Nam Ô không lẫn vào đâu được.

Với những người thích thưởng thức những sản vật tươi rói của biển thì ngay buổi sáng tinh mơ, trên bờ biển Nam Ô, những chiếc ghe nhỏ của các ngư dân cập bờ mang theo những sản vật của biển. Việc mua bán diễn ra mau lẹ, phóng khoáng “rặt” kiểu ngư dân ăn to nói lớn, cứ bán theo mớ chỉ 50.000-70.000 đồng.

Sau một vòng du hí quanh làng Nam Ô, du khách có thể mua về những đặc sản của biển là bì cá hố khô, nục khô, cá cơm mờm hay chai nước mắm đậm đà để làm quà lưu dấu kỷ niệm của làng biển cổ Nam Ô.

Khi đã quá trưa, bụng đói cồn cào, du khách có thể đi xuyên qua làng ra tới mép bờ sông Cu Đê để thưởng thức món đặc sản của vùng Nam Ô là gỏi cá trong cái mát lành thổi từ cửa sông.

Dấu ấn lịch sử

Làng Nam Ô còn lưu dấu nhiều di tích xưa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Làng Nam Ô còn lưu dấu nhiều di tích xưa – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cách lăng Ngư Ông khoảng 300m về phía nam là mộ cá voi. Tương truyền cá voi sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai táng, sau ba năm họ sẽ đưa hài cốt cá đến lăng để thờ cúng. Gần đó là dinh Cô Hồn.

Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh vào cửa biển Đà Nẵng năm xưa, quân lính triều đình của hai đồn Nam Ô, Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Thời vua Thành Thái đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885.

Theo Nam Cường/Tuổi trẻ